Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Giới thiệu sách viết về người chiến sĩ Việt Nam

GIỚI THIỆU SÁCH VIẾT VỀ NGƯỜI CHIẾN SĨ VIỆT NAM

 

Kính thưa quý thầy, cô cùng các em học sinh thân mến!

Khi viết về người chiến sỹ Việt Nam nhà thơ Lê Anh Xuân đã từng viết:

Anh tên gì hỡi Anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại cái dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Vâng đúng vậy! Hình tượng anh bộ đội cụ Hồ đã trở nên thật gần gũi, thân thương, là một biểu tượng đẹp, rất đáng tự hào của người Việt Nam. Những hi sinh, gian khổ mà họ trải qua trong chiến tranh; những ý chí, nghị lực, sự kiên cường, dũng cảm chiến thắng kẻ thù xâm lược của bộ đội ta là dấu ấn sâu đậm, mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. 22/ 12 hàng năm là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta thể hiện niềm tự hào và biết ơn sâu sắc những chiến sĩ đã đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. 

Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, hoà chung với không khí thiêng liêng chào mừng 71 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam . Tôi xin trân trọng giới thiệu đến quý thầy cô cùng các em một cuốn sách - cuốn nhật kí thời chiến của một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm rung động trái tim của rất nhiều độc giả,ở mọi lứa tuổi. Cuốn sách đặc biệt của ngày hôm nay có một cái tên rất trẻ, tràn đầy sức sống: " Mãi mãi tuổi hai mươi". " Mãi mãi tuổi hai mươi" là cuốn nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sinh năm1952 và mất năm 1972, do Đặng Vương Hưng sưu tầm, giới thiệu và được NXB Thanh Niên ấn hành vào tháng 10/2005, có khổ sách 13x19cm và độ dày 296 trang.

    Các bạn thân mến, người các bạn gặp trên trang sách này là một người trai Hà Nội. Khi anh bước chân vào ngưỡng cửa đại học là khi cuộc chiến tranh Việt Nam đang thời kỳ căng thẳng, ác liệt nhất.

    Anh học giỏi  cả “xã hội” và “tự nhiên”. Ở trung học anh đoạt giải nhất thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc, ở đại học anh là sinh viên xuất sắc của khoa Toán - Cơ Đại học Tổng hợp Hà Nội. Anh có thể được chọn một con đường khác vào đời. Nhưng anh  và cả thế hệ của anh, năm tháng ấy đã cởi áo sinh viên khoác lên mình áo lính. Không có sự lựa chọn nào khác khi Tổ quốc lâm nguy.Và người trai Hà Nội ấy đã vĩnh viễn nằm xuống mảnh đất Quảng Trị hơn 30 năm về trước. Hôm nay, sau 30 năm ngày chiến tranh khép lại, các em đang có trên tay mình những tâm tình của anh qua cuốn sổ nhật ký quân ngũ anh ghi trong quãng thời gian huấn luyện tân binh. Tất cả đã chưng cất lên một tác phẩm lặng lẽ trong hơn ba mươi năm qua, nay được xuất hiện như một quà tặng thế hệ trẻ chúng ta hôm nay.

    
“Mãi mãi tuổi hai mươi” trước hết là một cuốn nhật ký đầy đặn theo đúng nghĩa của nó. Cuốn nhật ký được bắt đầu viết từ ngày 02/10/1971 (thời gian đầu của cuộc đời quân ngũ) và kết thúc ngày 24/5/1972 (trước khi hành quân vào tuyến lửa).

      Khoảnh khắc thời gian ngắn ngủi chưa đầy một năm, một lát cắt trong cuộc đời con người nhưng nó cho ta thấy thế giới tâm tư phong phú, thấy cả tâm hồn anh, con người anh và đằng sau đó là một thế hệ đẹp đẽ đã sống và ra đi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo tiếng gọi của Tổ quốc.

    Ngay từ đầu, cuốn nhật ký đã mở ra những trang đẹp nhất của tâm hồn anh với khát vọng ra đi, lý tưởng chiến đấu và ý thức trách nhiệm vì Tổ quốc.

Anh viết: “Mình đã bắt đầu sống có trách nhiệm từ đâu, từ lúc nào? Có lẽ là từ 9/3/1971, tháng ba của hoa nhãn ban trưa, của hoa sấu và hoa bằng lăng nước” và anh khát khao: “Chóng tới gia đình lớn. Nơi ta gửi gắm thời thanh xuân của mình”. Xuyên suốt cuốn nhật ký là khát vọng được vào tuyến lửa, giáp mặt quân thù.

     Vì là nhật ký – Anh ghi cho mình thôi, cuốn sách mà anh tự nghĩ sẽ không bao giờ có ai đọc nên tự nó đã phô diễn trung thành thế giới tâm tư anh: Khi phơi phới niềm vui lên đường nhưng cũng không ít khi buồn nản, chán chường... Song tình yêu, niềm tin vẫn là nốt chủ đạo trong tâm hồn anh. Chàng thanh niên Hà Nội - Nguyễn Văn Thạc còn dành phần lớn tâm tư của mình cho người mà mình yêu dấu.

     Hình ảnh Như Anh – người con gái anh yêu xuyên suốt cuốn nhật ký. Nhiều khi người đọc có cảm tưởng, anh đang trò chuyện cùng Như Anh, viết cho Như Anh.

     Hình ảnh người con gái ấy ám ảnh anh khi buồn vui, khi đau khổ, nâng anh dậy và tiếp sức cho anh nuôi sống lý tưởng, ước mơ; lời vẫy gọi thiết tha của ngày về. Tình cảm trong sáng, thuần khiết đó đã tạo nên một khoảng trời dịu dàng, bình yên đầy lãng mạn trong cuốn nhật ký.

     Đây là một tình yêu lý tưởng tiêu biểu của thanh niên thời chiến tranh ấy. Chàng trai ra trận, cô gái đi học xa, tình yêu vượt thời gian và không gian chín lên trong tình cảm nhớ thương mong ngóng đợi chờ hi vọng của hai người.

    Chị đã hỏi anh câu hỏi “Hạnh phúc là gì?” khi hai người còn là học sinh. Câu hỏi hạnh phúc bao lứa đôi thời chiến đã hỏi và tìm cách định nghĩa cho mình. Và khi vào lính anh đã viết thư cho chị hẹn ngày 30-4-1975 anh về gặp chị và sẽ trả lời.

Lời hẹn hò như tiên tri ấy của Nguyễn Văn Thạc đã ngân một nốt trầm lắng trong lòng người con gái anh yêu, trong lòng những người cùng thế hệ, và đọng lại hôm nay một niềm bi tráng. Ngày 30-4-1975 đã qua nhưng Nguyễn Văn Thạc không về, bao nhiêu người nữa như anh không về. Câu hỏi hạnh phúc vẫn đi tìm câu trả lời ở phía trước...

    Bên cạnh dòng “suy nghĩ” cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” cho ta thấy những “sự kiện” hay nói đúng hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam một thời khói lửa chiến tranh vừa đau thương ác liệt vừa bình dị, vừa dữ dội vừa yên lành.

    Trên mỗi đoạn đường anh đi là một miền quê và những con người được khắc họa trung thực, có nét đáng yêu đáng quý nhưng anh cũng không ngần ngại nói lên những cái xấu, cái bề bộn của một thời.

    Cuốn nhật kí này dừng lại tại ngã ba Đồng Lộc ngày 03-6-1972 khi anh chuẩn bị vào chiến trường. Những dòng cuối cùng anh viết dường như gấp gáp: “Kính chào hậu phương. Chào gia đình và người tôi yêu. Đêm nay tôi đi. Nhất định có ngày trở về Thủ đô yêu quí của lòng tôi”.


    Hơn một tháng sau anh đã hi sinh khi mới chưa đầy 10 tháng tuổi quân và chớm 20 tuổi đời. Cũng như bao người lính khác, anh bình thản vào trận, bình thản biết mình có thể ngã xuống. Và cái anh để lại cho đời, khi sự sống đã hiến dâng cho đất nước, là cuốn sổ ghi chép này và những bức thư gửi cho gia đình và người con gái anh yêu.

    Mặc dù chỉ có mười tháng tuổi quân, nhưng dọc đường hành quân ra trận, khắc phục biết bao gian khổ, hi sinh, Thạc vẫn làm tốt nhiệm vụ của người chiến sĩ, vừa tích cực ghi chép những sự kiện, những cảm nghĩ về Đời, về Người trong những năm tháng hào hùng của cuộc chiến đấu chống Mĩ cứu nước đang trong giai đoạn ác liệt tiến đến thắng lợi hoàn toàn. Và Anh đã hy sinh khi tuổi đời mới 20, ta vẫn nhớ mãi câu nói của Anh trước khi ra đi, Anh vẫn nói với đồng đội: “Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa…bao dự định còn dang dở”.  Tấm gương của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và những người cùng thế hệ các Anh mãi mãi là những chàng trai không có tuổi già, mãi mãi tuổi thanh xuân, họ là những tấm gương để thế hệ noi theo, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta, các em đang ngồi trên ghế nhà trường, các em hãy phấn đấu hoàn thành những tâm nguyện, những dự định còn dang dở mà Nguyễn Văn Thạc chưa làm được. Và các Anh là minh chứng cho Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng, dân tộc Việt Nam anh hùng.

   Hướng tới kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, mỗi người chúng ta, nhất là thế hệ trẻ hãy ra sức phấn đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam yêu quý.

Nhật kí "Mãi mãi tuổi hai mươi" của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc sẽ là một cuốn sách thật ý nghĩa, một tư liệu quý giá mà thư viện Trung tâm GDTX DMC muốn gửi đến độc giả. Sách hiện có ở thư viện trường chúng ta.

Bài giới thiệu sách đến đây là hết.Xin chúc quí thầy cô sức khỏe và chúc các em học sinh có một tuần học tập thật hăng say.

 

 

 

Footer chưa được cập nhật nội dung hoặc chưa được duyệt !